Tắm rừng là gì? Và làm thế nào để bạn có thể ứng dụng phương pháp này để giúp cải thiện sức khoẻ và tinh thần?
Hãy theo dõi bài viết của tôi dưới đây để biết cách thức nhé!
Bạn có bao giờ tự hỏi:
Tại sao ở gần cây cối khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn?
Tại sao màu xanh của lá lại khiến chúng ta dễ chịu?
Tại sao mỗi khi mệt mỏi chỉ cần tắm sạch sẽ thì người lại khoan khoái dễ chịu?
Tại sao trẻ em tiếp xúc với cây cỏ nhiều lại ít mắc chứng trầm cảm hoặc tăng động?
Tại sao đi bộ ngoài trời lại giúp chúng ta có thêm những ý tưởng mới?
Tại sao trèo đèo lội suối không làm ta mất sức mà ngược lại còn khiến ta cảm thấy sung sức hơn?
Tại sao đứng giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ ta lại nảy sinh nhiều cảm xúc lạ đến vậy?
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy sự thân thuộc và thoải mái khi gần gũi với tự nhiên về mặt cảm giác và chúng ta vẫn chưa biết rõ cách thiên nhiên tác động đến tâm trí, tinh thần, thân thể chúng ta. Và tại sao thiên nhiên có thể làm được điều đó.
Trên thế giới và từ ngàn xưa người ta đã hiểu rằng con người là một phần của thiên nhiên và tuân theo những quy luật của tự nhiên. Theo thời gian những tiến bộ kỹ thuật cho phép chúng ta “làm chủ tự nhiên”, “chinh phục tự nhiên” dẫn đến những quan điểm về con người và thiên nhiên đặt trong sự tách rời. Chúng ta tự nghĩ rằng mình là một thực thể có sức mạnh to lớn trên hành tinh này và dần quên mất mình chỉ là một phần của tự nhiên. Chúng ta bắt đầu hưởng thụ những thứ tiện nghi do mình tạo ra trong những chiếc hộp xinh xắn và những chuẩn mực về sự thành công hạnh phúc riêng để theo đuổi. Và để có những thứ đó thì khai thác và lấy đi từ thiên nhiên là một điều tất yếu.
Người Nhật có một sự cảm nhận và gắn kết sâu với thiên nhiên theo một cách riêng – điều mà tôi ít gặp ở các nước Á Đông còn lại, kể cả Việt Nam. Và đó cũng là lý do thuật ngữ “Shinrin Yoku – Tắm rừng” khởi sinh từ Nhật lại trở thành nguồn cảm hứng chung cho nhiều quốc gia khi nói về mối quan hệ của chúng ta với rừng và cách chúng ta kết nối lại với mẹ thiên nhiên.
Để nói về trải nghiệm độc đáo này tôi nghĩ mình nên chia sẻ với các bạn một chút về chuyến leo núi đầu tiên của mình. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên tôi gần với thế giới hoang dã nhiều đến thế. Có lẽ đó chính là lần Tắm Rừng vô tình mà tôi không hề biết trước.
Chuyến leo núi đầu tiên…Fansipan
Hôm đấy, trong khi tình cờ lướt facebook tôi thấy một anh bạn chia sẻ về việc chuẩn bị leo Fansipan – Ngọn núi được mệnh danh là nóc nhà Đông Nam Á. Thời điểm đó, khi mà phong trào leo núi chủ yếu quen thuộc với phượt thủ và một số ít người đam mê mạo hiểm thì Fansipan với mấy đứa con gái văn phòng như tôi quả là một mục tiêu lớn trong đời.
Đã ấp ủ ý định nên khi thấy có cơ hội là tôi xin tham gia ngay. Nói là làm, hôm sau tôi đặt vé bay ra Hà Nội, tối đó chúng tôi lên tàu đi Sa Pa và buổi sáng tiếp theo tôi đã có mặt ở chân núi chuẩn bị cho chuyến hành trình 2 ngày đầy thách thức.
Nói về chuyến đi này, có 2 sự liều lĩnh mà tôi đã cố tình bỏ qua.
Thứ 1 đó là về thể lực. Đoàn của tôi gồm 12 người và gần như tất cả mọi người đều có kinh nghiệm leo núi, thậm chí đã tập thể lực trước đó 6 tháng đến 1 năm.
Thứ 2 đó là đồ đạc, gần như 90% tôi phải mượn từ một người chị đã từng leo Fan trước đó và học vội một vài kinh nghiệm cho chuyến đi.
Nếu bạn đã từng biết đến tôi trước đó thì sự liều lĩnh này là hết sức bình thường. Tôi không có quá nhiều nỗi sợ vì thế từ suy nghĩ đến hành động của tôi đôi khi chỉ cách một bước chân.
Trong suốt chuyến đi, có một điều khiến tôi hoàn toàn bất ngờ về bản thân. Đó là mặc dù leo núi rất mệt, đôi lúc kiệt sức đến rã rời nhưng chỉ cần dừng lại, nghỉ ngơi và hít thở một chút thì cơ thể lại như được thiết lập lại từ đầu. Thậm chí vào ngày xuống núi thứ 2, tôi và một anh bạn tách đoàn và gần như chạy một mạch xuống chân núi. Gần 1 tiếng sau cả đoàn mới đến điểm tập kết.
Điều này đối với tôi mà nói giống như một phép thần thông. Cơ thể tôi hoàn toàn khỏe mạnh, thậm chí là còn sung sức hơn. Chân chỉ bị đau một chút, còn lại thì mọi thứ như được tiếp thêm sinh lực mới. Mãi rất nhiều năm về sau tôi vẫn tin rằng trải nghiệm này như một điều-không-thể-tin-được trong đời. Nó không phải là việc chinh phục một đỉnh núi mà đó là cách tôi được trải nghiệm cơ thể và tâm trí của mình khi đi vào thiên nhiên hoang dã. Nó đi ngược lại với tất cả suy nghĩ ban đầu của tôi về một chuyến đi vất vả, đầy khó khăn. Đi bộ mà còn leo núi hẳn sẽ mệt lắm ấy thế mà cái mệt thật ra rất ngắn, cái dài hơn chính là nguồn năng lượng tươi mới mà tôi luôn cảm thấy căng tràn trong lồng ngực. Đi bộ trong điều kiện cơ bản như thế sẽ dễ khiến người ta nản lòng, bỏ cuộc ấy thế mà trong tôi những cảm xúc lâng lâng khi ngắm nhìn khung cảnh kỳ vĩ của thiên nhiên khiến tinh thần thám hiểm của tôi càng thêm bùng phát. Những xúc cảm nguyên sơ, tinh khôi và không biết từ đâu cứ tràn lên, lấp đầy mọi giác quan khiến những trải nghiệm đó trở thành cảm giác khó diễn tả vô cùng.
Và cũng đến mãi những năm sau khi tìm hiểu về Tắm Rừng tôi mới có thể tự mình giải thích được một cách đầy đủ tại sao tôi lại có thể leo núi trong một trạng thái tuyệt vời như thế.
Chúng ta luôn biết rằng tâm trí của chúng ta, suy nghĩ của chúng ta sẽ hình thành nên con người chúng ta. Sự khỏe mạnh cơ thể đi liền với sự khỏe mạnh của tâm hồn. Cơ thể của chúng ta nghe theo những chỉ dẫn từ những tiếng nói bên trong chúng ta và vì thế trạng thái tinh thần của chúng ta cực kỳ quan trọng. Nếu nó sảng khoái, bạn sẽ khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc và ngược lại càng bị căng thẳng, bạn sẽ càng dễ mệt mỏi, thậm chí trở nên ốm yếu, bệnh tật.
Người Nhật đã phát triển một phương pháp tuyệt vời để thư giãn tâm trí, đó chính là Tắm Rừng. Trong bài viết này tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu về liệu pháp thiên nhiên này để thấy tại sao Tắm Rừng lại trở nên đặc biệt phù hợp trong thời kỳ hỗn loạn ngày nay và cách chúng ta có thể hưởng lợi từ đó.
Tắm rừng là gì?
Tắm rừng là thực hành hòa mình vào thiên nhiên một cách có tỉnh táo, sử dụng các giác quan của bạn để thu được nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất, tinh thần. Nó còn được gọi là Shinrin-yoku. ‘Shinrin’ có nghĩa là rừng và ‘Yoku’ là viết tắt của từ tắm. Ý tưởng này ra đời ở Nhật Bản vào những năm 1980 và được chứng minh là một công cụ rất hiệu quả để vượt qua những tác động xấu của cuộc sống bận rộn và môi trường làm việc căng thẳng.
Nghệ thuật Tắm rừng từ Nhật Bản
Bất kể là gì thì khi qua cách thưởng thức của người Nhật đều trở thành….nghệ thuật. Họ uống trà và đưa nghệ thuật uống trà thành Trà Đạo. Họ yêu hoa biến việc cắm hoa thành nghệ thuật. Họ sống lối sống tối giản và biến nó thành nghệ thuật sống. Họ có một nền ẩm thực mà mỗi món ăn đều có một lịch sử lâu dài, cách chế biến thưởng thức với câu chuyện riêng và trở thành nghệ thuật ẩm thực. Để biến một việc bình thường trở thành nghệ thuật thì trước hết người ta phải cực kỳ nghiêm túc với nó, để tâm hồn vào nó, hiểu sâu nó và đi vào sự tinh tế nhất có thể. Nó không thể là sự hời hợt hay nghiên cứu đối tượng từ bên ngoài. Nó là quá trình tự trải nghiệm, tự ngộ và rồi giống như họ phát hiện ra chân lý vậy, đơn giản mà chân thật. Bởi thế dù hiện nay việc kết nối với thiên nhiên không còn quá xa lạ nhưng nghệ thuật Tắm Rừng từ Nhật Bản vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho những người đang đi tìm mối liên kết giữa con người và tự nhiên trên toàn thế giới.
Tắm rừng trong thiên nhiên cho phép phần não căng thẳng của bạn được thư giãn. Hormone tích cực được giải phóng trong cơ thể. Bạn cảm thấy bớt buồn, tức giận và lo lắng. Nó giúp tránh căng thẳng và kiệt sức, đồng thời hỗ trợ chống lại chứng trầm cảm và lo lắng. Tắm trong rừng có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch và giúp giảm bệnh tật cũng như phục hồi nhanh hơn sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Thiên nhiên có ảnh hưởng tích cực đến tâm trí cũng như cơ thể của chúng ta. Nó cải thiện sức khỏe tim phổi, làm tăng khả năng tập trung, tập trung và trí nhớ.
Cây cối trong rừng mà chúng ta thấy đều biết cách bảo vệ bản thân khỏi vi khuẩn và mầm bệnh. Những hợp chất này gọi là Phytoncides. Khi vào rừng, chúng ta tự nhiên sẽ ngửi thấy rất nhiều mùi hương khác nhau phụ thuộc cấu tạo của mỗi loại cây. Những phân tử này không chỉ tốt cho cây mà còn tốt cho khả năng miễn dịch của chúng ta. Hít thở trong không khí trong rừng làm tăng mức độ tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) trong máu và chống lại nhiễm trùng, ung thư, khối u….
Đó là lý do tại sao khi đi bộ lâu trong rừng chỉ cần vài giờ là đủ để chúng ta cảm thấy thoải mái. Còn khi ở trong một chuyến đi hoang dã từ 2-3 ngày thì vô tình chúng ta đã được tắm trong bầu không khí ngập tràn Phytoncides từ rừng.
Khi càng tìm hiểu sâu về nghệ thuật Tắm rừng, tôi hiểu ra rằng mình đã được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào, vô hạn từ thiên nhiên cho nên những mệt mỏi về mặt cơ thể rất nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho sự sảng khoái và thư giãn. Vì thế mà suốt thời gian leo núi tâm trạng tôi cũng trở nên thư thái, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Thật ra về mặt cảm giác hầu hết mọi người đều cảm thấy thân thuộc và thoải mái khi ở giữa thiên nhiên. Tôi luôn nhớ lại hồi nhỏ khi mình sống ở quê vui vẻ như thế nào mặt dù tay chân lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Nhưng người Nhật không chỉ dừng lại ở “cảm giác” mà họ tìm mọi cách để đo lường, chứng minh rằng những tác dụng của thiên nhiên không chỉ vô cùng hiển nhiên mà còn vô cùng to lớn. Việc tìm hiểu sâu này giúp họ tìm ra được những yếu tố tác động cũng như mức độ hay liều lượng thiên nhiên cần thiết để chữa lành một người khi thực hành phương pháp Tắm Rừng này.
Những khu rừng chữa bệnh…
Thực tế là có rất nhiều các vị thuốc mà chúng ta dùng có chiết xuất từ tự nhiên và ở Nhật người ta đã nghiên cứu để tìm ra những cánh rừng như thế: kết hợp để con người nghỉ ngơi, hồi phục và chữa lành cho mình. Nó hoàn toàn không cảm tính, nó xuất phát từ một sự tìm hiểu cẩn thận. Ở Việt Nam mình mà nếu đưa ý tưởng này về thì sao? Tôi không biết. Chuyến đi Nhật cũng giúp tôi hiểu thêm rấ nhiều về cách người Nhật gắn bó với thiên nhiên.
Nếu có nó nên hợp tác với các khu bảo tồn thiên nhiên – nơi có rất nhiều nghiên cứu về rừng nhưng nó nên được quản lý và tổ chức bởi những người thật sự có tâm với đội ngũ chuyên gia am hiểu. Tôi vẫn đang ấp ủ và tôi biết một ngày nào đó khi quay trở lại Việt Nam tôi sẽ thực hiện điều này. Không chỉ là một mà rất nhiều nơi cây và rừng đều có thể giúp bạn tự chữa lành.
Năm 2020, khi tiếp xúc với phương pháp diệu kỳ này ngay lập tức tôi đã muốn qua Nhật để học hỏi thêm, thế rồi hai đợt dịch bùng phát liên tiếp khiến cho việc học tạm thời ngừng lại nhưng nó cũng cơ duyên để tôi có cơ hội gặp được một Hướng dẫn Trị liệu rừng được đào tạo từ tổ chức ANFT của Mỹ. Nói một chút về tổ chức ANFT, đây là một trong những tổ chức nghiên cứu và thực hành về Trị Liệu Rừng lớn nhất ở Mỹ. Họ đã phát triển các phương pháp tiếp cận rừng và được lan toả rộng rãi khắp thế giới. Tính đến cuối năm 2019, ANFT đã đào tạo hơn 800 hướng dẫn viên trị liệu trong rừng đang làm việc tại 48 quốc gia khác nhau trên sáu lục địa.