Khi nhìn lại toàn bộ cuộc sống của mình, tôi chợt nhận ra mình có xu hướng tối giản từ khi còn rất nhỏ. Có lẽ vì nhà tôi đông anh em và buôn bán nên tôi không có nhiều không gian riêng để bày biện. Cách tốt nhất là giữ cho mọi thứ thật đơn giản và gọn gàng.
Quần áo của tôi rất ít, thường thì má tôi sẽ may 1-2 bộ thật rộng để mặc vừa cho 3-4 năm. Đồng phục thì luôn có một bộ duy nhất, kể cả áo dài. Còn đồ đạc thì lại càng ít hơn nên tôi gần như nhớ rất rõ các món đồ tôi có. Ví dụ như chiếc cặp đi học hình Mickey má tôi mua đồ khá tốt nên tôi có thể mang từ cấp 1 lên đến gần hết cấp 2. Sau đấy là một cái cặp ôm bên hông cho cuối cấp 2 và suốt thời cấp 3.
Đỉnh điểm là khi tôi vào học Đại Học, tôi mang đúng 7 bộ quần áo chọn sẵn cho 7 ngày và một bộ đồ ngủ trong khi đứa bạn cùng phòng nào cũng một vali quần áo.
Rồi sau này khi đi làm cũng vậy. Tôi giữ cho mọi thứ thật ít nhất có thể. Việc tôi tập trung nhiều nhất là công việc và ít nhất là shopping. Hầu hết quần áo mà tôi mặc chủ yếu do các em gái tôi đảm nhiệm, vì thế mà mỗi khi có sự kiện gì quan trọng thì tôi mới bắt đầu mua sắm. Tôi cũng là đứa con gái hiếm hoi không dùng mỹ phẩm chăm sóc da, kem chống nắng và rất hạn chế sữa rửa mặt, sữa tắm…
Trong suốt những năm tháng đó, tôi thật sự thấy mình “ổn”. Tôi không có đam mê và không có nhu cầu cho quần áo, thời trang, đồ dùng…Tôi thích sự tự nhiên, đơn giản, tiện lợi. Tôi cũng không tìm thấy niềm vui gì trong việc mua sắm.
Tôi nghĩ đó là xu hướng tối giản nhưng nó không phải là cuộc sống tối giản theo đúng nghĩa. Nó gần như việc bạn bỏ mặc diện mạo bên ngoài của bạn thì đúng hơn, vì thế hoặc là bạn ăn mặc theo kiểu thờ ơ hoặc là theo kiểu thích gì mặc nấy.
Khi dành thời gian cho bản thân mình, tôi bắt đầu kết nối với tôi nhiều hơn và tôi hiểu ra rằng việc chăm sóc thân thể của chính mình cũng không thua kém gì việc chăm sóc tâm hồn của mình.
Trải nghiệm chủ nghĩa tối giản ở nhiều cấp độ và khía cạnh khi còn nhỏ một cách vô thức cho đến lúc trưởng thành giúp tôi học được nhiều bài học vô cùng quý giá..
Tối giản là sống thiếu thốn?
Rất nhiều người nhầm tưởng rằng tối giản là thiếu thốn. Bản thân tôi cũng từng có suy nghĩ này khi nghĩ về trào lưu những người sống tiết kiệm, chắt chiu từng món đồ và tránh xa chủ nghĩa tiêu dùng.
“Vừa đủ” có lẽ là một từ khá đúng với những người sống tối giản. Tôi sẽ không để bản thân thiếu thốn, hay cố gắng tiết kiệm để kìm hãm nhu cầu bản thân. Tôi hiểu rõ mình muốn gì, cần gì rất rõ và thong thả mua sắm theo một vài nguyên tắc đơn giản mà tôi áp dụng bên dưới. Và vì thế, khi chuyển qua cuộc sống tối giản đúng nghĩa tôi thấy mọi thứ không thừa, không thiếu và nó giúp tôi luôn thấy mình thật sự đủ đầy và bên trong và bên ngoài.
Lý do của lầm tưởng này là những người sống theo lối tối giản thường có khá ít quần áo, đồ đạc. Tuy nhiên, ít không phải là không đủ dùng. Mỗi người sẽ có một cách mua sắm khác nhau và đối với bản thân, tôi thường áp dụng ba quy tắc đơn giản sau để lựa chọn một món đồ cho mình.
- Kết nối với từng món đồ
Khi bắt đầu mua một món đồ, đôi khi chúng ta lựa chọn nó vì chúng ta thích chứ chưa hẳn gì chúng ta cần, và thứ chúng ta cần lại chưa hẳn là thứ chúng ta thích. Và rất ít người kết nối với những thứ mình mua. Nó không đơn thuần là sự thích thú. Nó là kết nối.
Ví dụ như có người rất chú trọng khi mua quần áo nhưng lại khá dễ dãi khi mua đồ dùng trong nhà. Có người thích nấu bếp lại khá chau chuốt đồ ở khu vực này, nhưng đồ đạc cá nhân lại mặc gì cũng được. Có người có gu thời trang khá tốt nhưng lại ít chú ý đến đồ nội thất trong nhà.
Do đó, chúng ta thường có những “vùng” quan tâm khác nhau nên chúng ta cũng thường tập trung chú ý vào những thứ này nhiều hơn. Mặc khác vì việc mua sắm của chúng ta khá rộng từ quần áo, đồ dùng cá nhân, đồ gia dụng….nên chúng ta không còn thời gian để mà để ý từng món một và một số thứ còn đặt mua cho xong, đủ chức năng là được.
Chính vì vậy, khi mua sắm theo xu hướng tối giản, tôi thường kết hợp giữa hai yếu này cùng với nhau. Thứ tôi chọn trước hết phải là thứ tôi cần trong cuộc sống của mình. Nhiều người sẽ biện hộ rằng, món đồ nào trong nhà của họ cũng cần nhưng nếu thử làm một cuộc khảo sát nhỏ thì tôi cá rằng có nhiều thứ đồ cả năm hoặc vài tháng bạn không dùng tới. Vì thế các đồ đạc mà tôi chọn thường là dùng hằng ngày hoặc ít nhất là hằng tháng. Nếu trên hai tháng tôi không đụng đến, nghĩa là món đồ đó gần như không phục vụ cho nhu cầu của tôi.
Ngày nay, chúng ta khủng hoảng THỪA hơn là THIẾU. Chúng ta mua một món đồ và tưởng rằng chúng ta cần nó nhưng hoá ra không phải vậy. Rất nhiều thứ chúng ta mua vì ảnh hưởng của truyền thông, quảng cáo, đặc biệt là khi nó được gắn thêm thông tin rằng đã được nghiên cứu, đã được các nhà khoa học chứng minh….
Chúng ta không được khuyến khích hoài nghi và đặt câu hỏi với những khám phá xung quanh mình. Chúng ta mặc định điều gì nhiều người tin thì nó đúng. Những điều đúng đắn thường đi theo hướng ngược lại. Vì thế hãy cẩn thận với những thứ trước giờ bạn vẫn tin nó đương nhiên là thế.
Và quan trọng hơn tôi phải kết nối được với từng món đồ mà tôi mua. Tôi cần thích thú nó, cảm nhận nó theo cách nó mang lại niềm vui trong cuộc sống của tôi. Đó không phải là niềm vui ngắn ngủi vài ngày mà đó là là món đồ thú vị mà thỉnh thoảng trong ngày khi nhìn thấy, tôi sẽ bất giác mỉm cười.
Đó là lý do mà gần đây, khi mua sắm cho căn phòng nhỏ của mình ở Helsinki tôi dành hơn 1 tháng để tha về từng món nhỏ. Đúng là mất thời gian đôi chút nhưng tôi có thể tận hưởng từng thứ một trong căn phòng của mình. Tôi sẽ chia sẻ một bài riêng về cách tôi thiết kế và trang trí cho căn phòng của mình.
- Đối xử công bằng trên nguyên tắc đồ đạc là để phục vụ con người
Đây là nguyên tắc quan trọng khi tôi mua sắm. Nó khá dễ dàng với những món đồ nhỏ, rẻ tiền khi bạn áp dụng nhưng khó đối với các món hàng xa xỉ. Vì khi bỏ một số tiền lớn cho các món đồ xa xỉ chúng ta thường thấy chúng “giá trị” hơn và vì thế đối xử với chúng cũng khác nhau. Bạn có thể không quan tâm nếu bị hư một cái áo bình thường nhưng sẽ có xu hướng làm quá lên hoặc bực bội nếu món đồ yêu thích bị dính bẩn không xử lý được, hay chiếc xe hơi xịn sò của bạn bị trầy xước.
Đối với tôi, bất kỳ món đồ lớn bé nào một khi tôi đã mang về nhà, nghĩa là nó sẽ sống cùng và sử dụng cho một nhu cầu nào đó của tôi trong một khoảng thời gian nào đó nên nó luôn được trân trọng. Không có nghĩa là tôi sẽ nâng niu quá mức nhưng chắc chắn tôi sẽ giữ gìn bởi nếu tôi biết cách sử dụng tốt thì món đồ sẽ bền hơn cho dù đó là xe hơi hay quần áo.
Tôi nhớ lần đầu tiên mua xe hơi, chiếc bán tải mà tôi cực kỳ yêu thích, do tay lái chưa vững nên không ít lần xe bị trầy trụa. Tôi không vui vì điều đó nhưng cũng không bực bội. Dẫu sao xe cộ là để phục vụ nhu cầu đi lại của chúng ta và đôi khi nó thể bị va chạm đôi chút cũng là điều hết sức bình thường. Vấn đề là sau mỗi lần như vậy thì tay lái của tôi lại vững vàng hơn và tôi cũng biết cách sử dụng một chiếc xe hơi thế nào cho mượt mà, êm ái.
- Phù hợp với bức tranh tổng thể theo concept chung.
Sau khi một món đồ vượt qua được bài kiểm tra về công năng, sự kết nối và nhu cầu sử dụng thật sự thì tôi bắt đầu một giai đoạn khó khăn hơn: đó là thử đặt nó vào tổng thể.
Trước hết là món đồ cần phù hợp với bức tranh chung của chính bạn. Nó là quy tắc không chỉ áp dụng cho đồ đạc mà cho bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống của bạn. Ví dụ như khi tuyển dụng nhân viên thường người ta chú ý đến đặc điểm cá nhân của ứng viên chứ ít khi đặt câu hỏi: nếu người này trở thành một thành viên trong nhóm/trong phòng ban/trong công ty thì sẽ như thế nào?. Rồi ví dụ như khi bạn mở rộng một mối quan hệ mới, bạn có cân nhắc khi kết nối họ vào vòng tròn của mình? Liệu người đó có phù hợp với cuộc sống của mình. Rồi ví dụ như khi làm một công việc mới hay nhận một dự án ngắn hạn, bạn có đưa nó vào bánh xe cuộc đời của mình để cân nhắc liệu nó phù hợp với toàn bộ những thứ mình đang có.
Nếu ngôi nhà của bạn càng nhiều thứ, bạn cần mất nhiều thời gian để xem xét nó có phù hợp với những thứ bạn đang sở hữu không? Và quá trình đó với tôi không quá khó khăn, bởi tôi đã luyện tập điều này liên tục và phần lớn là vì tôi không có quá nhiều đồ đạc. Tôi có thiên hướng sống tối giản nên những món đồ tôi chọn cũng thường đi theo xu hướng này: tối giản, đa năng, tiện dụng.
Sau đó là màu sắc phải phù hợp gu màu chung là màu trái đất mà tôi yêu thích. Và các món đồ cũng phải phối màu với nhau để khiến mọi thứ tự nhiên, hòa hợp. Ví dụ như khi trang trí một căn phòng có tường màu trắng thì một vài đồ nội thất tôi chọn sẽ có tông màu gỗ ấm, nâu đất, vàng để giúp căn phòng ấm áp hơn, phù hợp với khí hậu lạnh của Bắc Âu.
Tiếp đến là kích thước món đồ phải vừa phải với nơi nó đặt để. Tôi luôn có một cây thước dây trong phòng và thường đo đạc đồ đạc trước khi mua sắm. Tôi cũng có thói quen kiểm tra món đồ mình dự định mua, kiểm tra xem nó có vừa vặn và cũng để hình dung, ngắm nghía một thời gian, có khi là vài ngày, vài tuần trước khi thật sự mang món đồ về nhà.
Và một vài thứ khác phụ thuộc vào món đồ như kiểu dáng, chất liệu, độ bền….cũng được tôi xem xét. Không có nghĩa là tôi quá đi vào chi tiết nhưng bất kỳ thứ gì mang về nhà cũng phải là thứ nên được xem xét cẩn trọng, tránh việc mua xong vài hôm lại chán và cảm thấy không phù hợp.
Tối giản là nhàm chán?
Nếu nhìn qua “tường nhà” của những người theo đuổi lối sống tối giản, có lẽ các bạn sẽ cảm thấy họ thật giống nhau. Tông màu lạnh, cơ bản trắng đen, màu patel hay màu trái đất. Kiểu dáng đồ đạc thiên về đơn giản, ít kiểu cọ. Mọi thứ sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng. Không có quá nhiều đồ đạc hay nếu là quần áo thì không quá nhiều phụ kiện hay màu sắc.
Nó cũng giống như người Miền Nam không thể phân biệt được người Miền Bắc ở Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên…và người Miền Bắc ngược lại khó có thể phân biệt được người Miền Nam gốc ở tỉnh nào. Đối với khu vực miền Trung nhiều người tưởng giọng Quảng Nam, Quảng Ngãi là như nhau.
Vào mùa Đông khi vào một khu rừng rụng lá, bạn có lẽ cũng sẽ thấy cây nào cũng giống như cây nào. Khi bạn ở bên ngoài nhìn vào, mọi thứ có vẻ giống nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy cây cối, ngay cả những loại cây cùng loại cũng rất khác nhau về nhiều thứ.
Và bản thân những người tối giản, mặc dù họ có cùng lựa chọn về lối sống nhưng mỗi người lại có một cách phát triển riêng. Họ khác biệt với thế giới còn lại và họ cũng khác biệt với nhau. Họ hoàn toàn là những cá thể độc lập, độc đáo và bạn rất dễ nhận diện ra họ giữa cả tỷ người trên hành tinh.
Để tôi giải thích cho bạn điều này.
Thông thường có hai nhóm người sẽ có xu hướng lựa chọn lối sống tối giản. Nhóm đầu tiên giống như tôi là thường không quan tâm đến vẻ bên ngoài, thường là nhóm THIẾU do tiêu dùng quá ít. Nhóm thứ hai là nhóm THỪA do mua sắm quá độ và một ngày họ nhận ra là họ bị những thứ mình đang có nhấn chìm thay vì mang đến niềm vui. Đây là nhóm đông nhất, vì lẽ dĩ nhiên thế giới mà chúng ta đang sống khuyến khích mua sắm, tiêu dùng nên nó khiến cho chúng ta cảm giác mọi thứ chúng ta chọn đều thật đúng đắn.
Khi tìm đến lối sống tối giản, họ phải bắt đầu với việc hiểu bản thân và kết nối với chính mình. Họ bắt đầu định hình được mình một cách rõ nét hơn. Họ bắt đầu có cá tính riêng mà không do ảnh hưởng từ bên ngoài. Họ hiểu rõ điều gì là cần thiết trong cuộc sống của mình, vì thế họ bắt đầu trở thành những người có Gu thẩm mỹ riêng.
Quá trình định hình lại này khiến họ trở nên chậm hơn, trầm hơn nhưng vô tình cũng khiến họ thú vị hơn. Họ bắt đầu trở “lột vỏ” để trở thành chính mình. Họ không bị lạc lối trong đủ thứ chuẩn mực xã hội có vẻ hợp lý nữa.
Không phải tối giản là nhàm chán. Người ta chỉ trở nên nhàm chán nhìn ai cũng na ná như nhau hoặc trông có vẻ thời thượng nhưng đa phần là chạy theo trào lưu và đánh mất cái tôi chân thật của chính mình.
Một lý do quan trọng nữa chính là khi bạn tối giản. Bạn sẽ bỏ bớt những thứ thừa thãi, nhàm chán và rồi bạn sẽ dần thay thế nó bằng những thứ thú vị mang chất riêng của mình.
Đó là lý do tôi có thể thành thật chia sẻ với bạn rằng những người sống tối giản không chỉ khác với số đông còn lại mà họ còn rất khác nhau và mỗi người đều có phong cách riêng của mình.
Tối giản là dùng đồ giá rẻ kém chất lượng?
Đây có lẽ là sai lầm lớn nhất mà mọi người thường nghĩ về lối sống tối giản. Và có lẽ vì thế mà nhiều người ngại tìm hiểu chăng?
Khi chuyển sang lối sống tối giản, đồ đạc của tôi ít hơn nhưng đầy đủ hơn, phù hợp hơn và đặc biệt là cũng “chất” hơn.
Chất nghĩa là đồ đạc được chọn lựa kỹ hơn.
Chất cũng là nghĩa là đồ chất lượng hơn và giá cả cũng thường cao hơn. Thay vì mua một cái áo giá rẻ mặc được vài tháng thì họ sẽ chọn một cái áo có chất lượng tốt có khi mặc vài năm bởi phong cách tối giản thường không chạy theo xu hướng nên rất ít khi lỗi mốt. Nó đa phần là đồ cơ bản và được phối bởi người mặc để tạo nên cá tính riêng biệt.
Ví dụ như đối với quần áo những người theo chủ nghĩa tối giản sẽ không lạ lẫm gì với tủ đồ con nhộng trong đó mỗi thứ chỉ cần có 4-5 món (items) là họ đã có thể phối theo vài chục kiểu ăn mặc khác nhau vô cùng phong phú, sáng tạo và thông minh mà không hề nhàm chán.
Tuy nhiên không phải các món đồ đều có giá cao. Đối với đồ dùng tôi thường rất chú trọng giường ngủ nên thường sẽ mua mới và mua đồ rất tốt. Đối với quần áo thì những món giá trị thường sẽ là đồng hồ, đôi giày. Riêng quần áo sẽ chia thành nhiều loại trong đó có loại đồ cơ bản, giá bình dân và cũng có loại tôi sẽ mua từ thương hiệu mình yêu thích. Đôi khi với vài món đồ tôi sẽ sử dụng đồ second hand (sử dụng lại) với mức giá hợp lý và chất lượng còn tốt.
Đối với lối sống tối giản, đồ hiệu không phải là thứ đánh giá con người bạn. Giá cả món đồ cao hay thấp cũng không phải là vấn đề hàng đầu. Quan trọng là nó phù hợp với bạn, với hoàn cảnh của bạn và nó đúng với giá trị sống bạn đang theo đuổi. Tiêu dùng thông minh là thứ họ quan tâm hơn cả.
Nhìn đơn giản thế thôi nhưng tủ đồ của những người theo chủ nghĩa tối giản thường chất lừ và nhiều món cũng đắt xắt ra miếng đấy nhé.
Tôi có xu hướng tối giản từ khi còn nhỏ và có ý thức trải nghiệm thực tế trong vài năm trở lại đây. Tôi áp dụng đầu tiên với việc sắp xếp đồ đạc xung quanh mình vì tôi vốn dĩ yêu thích việc sắp xếp. Tiếp đó tôi bắt đầu thay đổi tủ quần áo của mình. Nó dẫn tôi đến tìm hiểu về nhà cửa, nội thất và xây dựng.
Từ dòng chảy đó, lối sống tối giản bắt đầu len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống của tôi. Nó giúp tôi tập trung vào những mối quan hệ thật sự có ý nghĩa. Nó giúp tôi tinh giản việc kinh doanh để đạt được hiệu quả tối ưu. Và quan trọng nhất, tối giản giúp suy nghĩ của tôi mạch lạc hơn, mọi thứ rõ ràng hơn, trí tuệ phát triển hơn. Cuối cùng là con đường mà tôi đi hanh thông hơn, thuận lợi hơn, thịnh vượng hơn và cũng bình yên hơn.
Vì lẽ đó mà tôi muốn dành chủ đề này cho blog của tôi trên trang nguyenngocthu.vn để chia sẻ về cách mà tôi đã áp dụng và gặt hái nhiều lợi lộc như thế nào. Nếu bạn cũng đang quan tâm chủ đề này hãy cùng nhau chia sẻ nhé!
#minimallife