Lý thuyết trao đổi xã hội
Hôm nay mình sẽ nói về một chủ đề nghe có vẻ học thuật. Nhưng cứ thử kiên nhẫn một chút đi bạn sẽ thấy nghe cũng có lý phết đấy. Bạn có bao giờ nghe về Lý thuyết trao đổi xã hội chưa? Nó nói về những tương tác xã hội mà trong đó các cá nhân tin rằng họ sẽ có được những lợi ích nhất định từ các hành vi trao đổi trong các mối quan hệ. Lý thuyết trao đổi xã hội thừa nhận rằng mối quan hệ của con người được hình thành bằng cách sử dụng một phân tích chi phí-lợi ích chủ quan và so sánh các lựa chọn thay thế.
Lý thuyết này được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, trong những luận điểm gốc của nó đề cập rất nhiều về việc hình thành, xây dựng và trao đổi trong mối quan hệ.
Lý thuyết trao đổi xã hội trong một mối quan hệ
Chúng ta hay nói về các tiêu chuẩn của một người khi chọn người yêu hay bạn đời đúng không? Nào là ngoại hình, thu nhập, tính cách, chiều cao, gia đình, học vấn….
Đó có phải là các lợi ích mà chúng ta muốn trao đổi trong một mối quan hệ. Khi chúng ta “có” càng nhiều. Thì chúng ta cũng có xu hướng “đòi hỏi” nhiều hơn từ đối phương.
Cùng lấy một số ví dụ nhé:
Ví dụ người có trình độ cao thì thường mong muốn người chồng phải hơn mình một cái đầu. Phải là người thành đạt hay ông này bà nọ. Người có xuất phát điểm thấp hơn về gia đình, học vấn hay mức thu nhập thường hài lòng với những người đàn ông ở mức độ trung bình hay trung bình khá. Người có nhan sắc thì mơ lấy chồng giàu có. Người ít nhan sắc thì hướng đến người thương mình, quan tâm mình.
Nói chung chúng ta mong muốn phần thưởng xứng với những gì mà chúng ta nghĩ là mình bỏ ra.
Khoan. Thật sự bạn có nghĩ tình yêu là một cuộc trao đổi lý tính như vậy sao? Không phải là chúng ta lựa chọn ai đó chủ yếu vì cảm xúc mà mình dành cho họ.
Thử thành thật một chút nhé. Có thật là bạn yêu hay lựa chọn ai đó vì chính bản thân họ. Ví dụ như đó là một người đàn ông có kinh tế, vững chắc, tốt tính. Nhưng ngoại hình lại cục mịch thì sao? Nếu chúng ta có sự lựa chọn, chắc mình cũng phải suy nghĩ một chút ha.
Rồi, ví dụ nữa nè. Bạn gặp một anh chàng có ngoại hình như hoàng tử trong mơ nhưng ở tuổi 35. Ảnh vẫn còn ở nhà thuê, công việc chưa ổn định và cũng không có suy nghĩ cầu tiến. Mặc dù anh ấy xem bạn như nữ hoàng nhưng….bạn có nghĩ mình sẽ kết hôn cùng chàng hoàng tử trong cảnh nghèo khó?
Lại ví dụ nữa nhé. Người yêu bạn đột nhiên vì một tai nạn nhỏ và phải nằm liệt giường cả năm để bạn chăm sóc. Bạn có tin là tình yêu của mình sẽ vẫn mãnh liệt như ngày đầu?
Chi phí hay tài sản mà bạn bỏ ra?
Sự thật là tình yêu luôn thay đổi và nó thay đổi theo rất nhiều yếu tố. Mặc dù nó được mặc một chiếc áo màu hồng lãng mạn. Nhưng ẩn sau đó vẫn là những tính toán cực kỳ tinh tế, cực kỳ nhanh (nhiều khi chỉ trong vài giây) khiến bạn không thể nhận ra là….ồ hoá ra là mình cũng thực dụng đến thế.
Lý thuyết trao đổi xã hội đề cập đến việc trao đổi mà hai bên sẽ đi đến thỏa thuận chung. Nếu họ tin rằng họ sẽ có lợi.
Chúng ta đã nói về lợi ích – chính là hàng loạt những tiêu chuẩn mà bạn thường đặt ra khi thiết lập một mối quan hệ. Vậy chúng ta có gì để trao đổi?
Có rất nhiều yếu tố là dưới đây là 6 tài sản chính được mọi người xem xét khi đem vào tình yêu. Mức độ quan trọng sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân ở từng hoàn cảnh khác nhau bao gồm:
- Thu nhập hay khả năng kiếm tiền
- Vị trí xã hội (trong công việc, uy tín, địa vị trong xã hội, nhóm….)
- Tri thức xã hội (học vấn và sự hiểu biết xã hội).
- Ngoại hình
- Kỹ năng giao tiếp xã hội
- Tính cách
Thử lấy một ví dụ mà thường khiến chúng ta gây tranh cãi nhé:
Đó là mối quan hệ chân dài – đại gia. Tại sao cặp này lại thường được hình thành? Và có phải các cô gái chân dài là đáng chê trách vì chỉ mê tiền của vị đại gia kia? Còn đại gia thì hoàn toàn vô tội?
Thử phân tích một chút về cuộc trao đổi của họ xem sao. Đại gia thì tài sản rõ ràng nhất là thu nhập, khả năng kiếm tiền. Thứ họ mong muốn có lại đó chính là ngoại hình, sự trẻ trung của đối phương. (bởi hai thứ này dù có tiền họ cũng không thể mua được cho bản thân). Trong khi đó cô gái có ngoại hình mong muốn bạn trai hay chồng mình là người có kinh tế vững chãi thì vô cùng hợp lý. Và tôi nghĩ rằng, cuộc trao đổi này hoàn toàn cân bằng.
Chúng ta không bàn cãi về sự dài lâu của mối quan hệ vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và một trong những điều dễ nhận thấy là mối quan hệ rất dễ tan vỡ khi đại gia thì vẫn giàu có nhưng nhan sắc thì lại dễ gây nhàm chán và người ta lại muốn có một cuộc trao đổi khác.
Tích luỹ tài sản bền vững của bạn
Trong những tài sản này có những thứ sẽ mang tính tạm thời và mài mòn theo thời gian như nhan sắc, sự trẻ trung. Nhưng có những thứ khi bạn đầu tư vào nó sẽ càng lúc càng mở rộng và phát triển như kỹ năng giao tiếp, tính cách, tri thức xã hội. Cũng có những thứ tài sản sẽ giúp bạn tự do, chủ động và có thêm nhiều sự lựa chọn như thu nhập hay vị trí xã hội của bạn.
Vì vậy sự lựa chọn vẫn luôn nằm ở mỗi chúng ta. Hãy gia tăng tài sản tự có để gia tăng sự hạnh phúc của chính bản thân trước hết nhé, những cô gái hiện đại.